Các chính sách dần “thẩm thấu” giúp thị trường bất động sản bớt ảm đạm
Nghị quyết số 33/NQ-CP: Quyết sách chiến lược, kịp thời
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ chiều 3/8, ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) cho biết, ngày 11/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Đây là một quyết sách chiến lược, kịp thời, thể hiện sự điều hành sáng suốt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một Chính phủ năng động vì dân.
Ông Bùi Thành Nhơn đánh giá, Nghị quyết số 33/NQ-CP như một nguồn “oxy quý báu” đúng thời điểm, giúp cộng đồng doanh nghiệp không rơi vào tình trạng bất ổn, kịp thời ngăn chặn nhiều hệ lụy xấu ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính của doanh nghiệp.
“Cho đến nay, các dự án của Novaland căn bản đã có hướng giải quyết cụ thể và đang trong tiến trình tháo gỡ. Các dự án tại Bà Rịa Vũng Tàu hầu hết đã được Lãnh đạo tỉnh phê duyệt giải quyết. Các dự án tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận đã được Tổ công tác và các bộ, ngành hướng dẫn giải quyết và địa phương tập trung tháo gỡ những vướng mắc”, ông Bùi Thành Nhơn nói.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Công ty Cổ phần đầu tư BĐS Toàn Cầu GP.Invest cho rằng, các doanh nghiệp BĐS đều thấy rõ tác động to lớn của các biện pháp đồng bộ quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS như việc giãn nợ trái phiếu, tháo gỡ thể chế, nguồn vốn, định giá, quy hoạch, lãi suất ngân hàng…
Tác động của các chính sách, biện pháp đó đã giúp thị trường BĐS bớt ảm đạm hơn. Nhiều chủ đầu tư đã có tín hiệu phục hồi, mặc dù số doanh nghiệp BĐS phải giải thể hoặc ngừng hoạt động vẫn còn lớn. Điều quan trọng là việc triển khai Nghị quyết số 33/NQ-CP đã cởi bỏ được tâm lý e ngại, mất niềm tin của thị trường.
Đối với Công ty Cổ phần đầu tư BĐS Toàn Cầu GP.Invest, những chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tổ công tác của Thủ tướng đã tạo chuyển biến tích cực của dự án Palm Manor ở Việt Trì, Phú Thọ.
Dự án này được khởi động cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2013 với quy mô 58 ha nhưng những vướng mắc về giải phóng mặt bằng kéo dài trong nhiều năm khiến dự án mới triển khai được một phần nhỏ.
Tuy nhiên, từ tháng 5/2023, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cùng với Nghị quyết số 33/NQ-CP, đến ngày 4/6/2023, Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ đã có văn bản thông báo đẩy nhanh tiến độ dự án theo đúng quy định của pháp luật, giao đất từng phần để chủ đầu tư chủ động hơn trong tổ chức thi công.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, những quyết định cụ thể, xử lý dứt khoát của các cơ quan địa phương đã tạo đà cho dự án Palm Manor Việt Trì chuyển động tích cực và khả năng đầu năm 2024 sẽ có sản phẩm cung cấp cho thị trường. Không riêng dự án ở Phú Thọ mà các dự án của GP.Invest ở Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Dương… cũng đều có sự chuyển động tích cực do cách làm dứt khoát, rõ ràng của các cấp chính quyền.
Nhìn nhận tích cực hơn, ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Sun Group cho biết, sự ra đời của Nghị quyết số 33/NQ-CP thực sự cần thiết và đã đi vào cuộc sống.
Bên cạnh Nghị quyết này, thời gian qua, việc khởi công, khánh thành một loạt hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các vùng du lịch đã tạo lực đẩy, thúc đẩy phát triển BĐS, các ngành dịch vụ, thương mại.
“Vừa qua đến Phan Thiết, hầu như các khách sạn, nhà hàng đều kín chỗ vào những dịp cuối tuần. Đây là tín hiệu rất vui cho BĐS du lịch và du lịch nói chung”, ông Đặng Minh Trường cho biết.
Triệt để tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các dự án
Bên cạnh ghi nhận, đánh giá cao về việc ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ, đại diện các doanh nghiệp BĐS đã đưa ra nhiều kiến nghị để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, ổn định và bền vững.
Trước thực trạng lãi suất cho vay ở Việt Nam còn cao, doanh nghiệp không dám vay vốn, ông Lê Tự Minh - Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư IMG kiến nghị, nên hạ lãi suất trung hạn xoay quanh ở mức 8,5% cộng trừ như 2 năm trước đây để Việt Nam tiếp tục là một “con rồng của châu Á”.
“Nên có biện pháp không cho hoặc hạn chế các doanh nghiệp BĐS tham gia ngân hàng và ngược lại, vì các doanh nghiệp tham gia cả 2 lĩnh vực này huy động vốn xã hội chủ yếu cho chính doanh nghiệp mình và ít có tác dụng với xã hội, thậm chí tạo nên những tài phiệt lũng đoạn nền kinh tế”, ông Lê Tự Minh khuyến nghị.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Corp kiến nghị, trong ngắn hạn, ngân hàng cần điều chỉnh điều kiện cho vay linh hoạt theo từng giai đoạn như dự án có chấp thuận chủ trương đầu tư thì có thể được phép tiếp cận vốn vay. Điều này giúp doanh nghiệp, ngân hàng, người tiêu dùng luân chuyển dòng tiền, tạo thanh khoản, công ăn việc làm, tăng chi tiêu của người dân.
Ở khía cạnh pháp lý, ông Bùi Thành Nhơn kiến nghị Chính phủ cần triệt để tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý cho toàn bộ các dự án trên cả nước; tăng cường xây dựng bảo đảm pháp lý cho kinh tế tư nhân yên tâm phát triển bền vững nhằm nâng cao tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế; có chính sách khuyến khích hỗ trợ cho các doanh nghiệp làm hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội tại các dự án ở những vùng khó khăn...
Trong khi đó, Chủ tịch Sun Group Đặng Minh Trường đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và mở rộng danh sách được miễn thị thực cho các thị trường như châu Âu, Ấn Độ. Bộ Giao thông vận tải thúc đẩy, tăng cường cấp thêm các slot chuyến bay quốc tế để đưa khách thị trường trọng điểm về Việt Nam...